Liên kết web
Thăm dò

null Cách mạng Tháng Tám và những bài học còn mang tính thời sự

Những bài viết về chủ tịch HCM
Thứ tư, 05/08/2020, 17:00
Màu chữ Cỡ chữ
Cách mạng Tháng Tám và những bài học còn mang tính thời sự

Cách mạng Tháng Tám là một bước ngoặt cực kỳ trọng đại của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sự kiện này không chỉ chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, khẳng định chủ quyền Việt Nam là toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất ba miền Bắc – Trung – Nam mà còn chấm dứt chế độ quân chủ đã tồn tại hàng ngàn năm, mở ra con đường để dân tộc ta hội nhập thế giới với cương vị một quốc gia tự chủ đã đứng trong hàng ngũ của những lực lượng tiến bộ vừa chiến thắng chủ nghĩa phát xít. ​​​​​​​

Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, sự lớn mạnh tạo nên một bước chuyển đổi quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, mà cuộc cách mạng Tháng Tám là một sự kiện quyết định như một khúc quanh của lịch sử. Nền độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên ngôn trong ngày lễ Độc lập ngày 2 tháng năm 1945 không những khẳng định chủ quyền của một quốc gia đã đứng về phía đồng minh chiến thắng giành lại nền độc lập từ tay chủ nghĩa phát xít Nhật, cũng như xoá bỏ chế độ quân chủ với việc ông vua cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị, mà quan trọng hơn đã đặt Việt Nam vào quỹ đạo của sự hội nhập với thế giới hiện đại bằng sự ra đời một thể chế dân chủ - cộng hoà.

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam bằng việc trích dẫn 2 nguyên lý quan trọng như những di sản chính trị của nhân loại từ Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền – Dân quyền Pháp của thế kỷ thứ 18, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn không có mục đích nhằm tranh thủ 2 cường quốc phương tây đang có vai trò quan trọng đến vận mệnh của dân tộc ta mà thông điệp quan trọng nhất là khẳng định ý nghĩa lịch sử của văn kiện lịch sử này là dân tộc Việt Nam quyết xứng đáng với nền độc lập do tự mình giành được và sẽ đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng với những gì dân tộc Việt Nam làm được từ khởi đầu là cuộc cách mạng Tháng Tám thực sự đã đóng góp cho tiến trình giải phóng các dân tộc nhược tiểu bị chủ nghĩa thực dân thống trị với giá trị của nguyên lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”…

Nghiên cứu giai đoạn lịch sử ngắn ngủi kể từ khi Việt Nam độc lập cho đến trước khi chiến tranh bùng nổ, chúng ta có thể nhận ra những tiền đề quan trọng cho công cuộc hội nhập và phát triển nếu chúng ta không bị ngăn cản bởi những ý đồ điên cuồng chống phá cuả chủ nghĩa thực dân. Những thông điệp của Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không muốn gây thù oán với ai”, “Nước Việt Nam chủ trương hoàn toàn độc lập và hợp tác”.

Đồng thời đường lối đối ngoại rộng mở là một chính sách kinh tế thực sự “mở cửa” “đối với các nước dân chủ Việt Nam thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực…Nước Việt Nam chấp nhận mọi tổ chức hợp tác kinh tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc”.

Có thể nói rằng, đó là một cương lĩnh hội nhập chủ động và toàn diện mà cho đến hôm nay chúng ta vẫn cảm nhận được tính thời sự và những giá trị mang tính nguyên tắc của công cuộc hội nhập gắn liền với công cuộc đổi mới mà chúng ta đã trải qua gần 14 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Với một tư duy biện chứng và một tầm nhìn xa rộng, ngay từ những ngày độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã vạch ra mục tiêu quan trọng hàng đầu để bảo đảm đưa đất nước từ một quốc gia lạc hậu hội nhập với thế giới hiện đại. Đó là mục tiêu xây dựng con người có đủ năng lực của công dân một quốc gia độc lập và một định hướng hội nhập.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng vừa ra mắt tại Quảng trường Ba Đình trong ngày lễ tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên “những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà” gồm 6 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là phải cứu đói, vấn đề thứ hai là phải diệt dốt, vấn đề thứ 3 là phải có hiến pháp dân chủ và tổ chức tổng tuyển cử, vấn đề thứ năm là bỏ các thứ thuế vô nhân đạo và cấm hút thuốc phiện, cuối cùng là tự do tín ngưỡng và đoàn kết tôn giáo.

Riêng vấn đề thứ tư được coi như một “nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân ta”. Sở dĩ coi đó là nhiệm vụ cấp bách là bởi chế độ cũ “đã hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói lười biếng, tham ô và những thói xấu khác”. Do vậy nhiệm vụ cấp bách giáo dục lại nhân dân nhằm mục tiêu “làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Và vị Chủ tịch nước “đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”.

Vì thế, trong lúc bận rộn lo cứu đói, diệt dốt lại phải đối phó với nguy cơ giặc ngoại xâm… Bác Hồ vẫn không quên mặt trận xây dựng con người mới. Cùng với việc xây dựng bộ máy chính quyền, những sắc lệnh nhằm giám sát và trừng trị sự tha hoá biến chất trong đội ngũ quan liêu đã được ban hành. Ban thanh tra đặc biệt và Toà án đặc biệt được thiết lập chuyên giám sát và xử lý quan chức. Trên một bình diện rộng lớn hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động một phong trào “đời sống mới” và giao việc này cho Hội văn hoá cứu quốc.

Cuộc vận động “đời sống mới” trở nên sôi nổi và một uỷ ban chỉ đạo được thành lập từ tháng 4/1946. Trong cuộc vận động ấy, anh em văn nghệ sỹ nghĩ đến một sáng kiến: vận động sáng tác…khẩu hiệu. Không phải là những khẩu hiệu sáng tác cho kêu để khích lệ ồn ào mà là những khẩu hiệu thiết thực nhằm “giáo dục lại nhân dân”, để làm thay đổi tư chất người dân từ đám thần dân của chế độ phong kiến, đám “thuộc dân” của chế độ thuộc địa, trở thành một công dân của một quốc gia độc lập biết quyền và nghĩa vụ của mình theo khuôn khổ pháp luật quy định.

Để có sự biến cải ấy quả là không dễ. Một ví dụ, cuộc thi sáng tác khẩu hiệu được báo Tiền phong, cơ quan ngôn luận của Hội văn hoá cứu quốc tổ chức để hưởng ứng phong trào Đời sống mới do Bác Hồ khởi xướng. Chúng ta cứ tưởng tượng xem, khi bước chân vào công sở thấy trên tường dán khẩu hiệu: “công chức là người giúp dân, không phải là quan”, “vào công sở chớ khúm núm sợ sệt, mà cũng không lấc cấc, ngạo nghễ. Mạnh dạn hỏi han: đấy là quyền của dân; hỏi han cho lễ độ: đó là bổn phận của dân”; “đem tiền hối lộ là điều bất chính”, “không chịu để cho viên chức đối đãi kinh rẻ, mầy tao hây bắt chầu chực quá đáng”, bị oan ức phải kêu, phải đấu tranh, không được nhẫn nhục chịu im”… thì liệu có cán bộ nào dám lên mặt với dân.

 Sự minh bạch những nguyên tắt ứng xử như vậy làm cho ý thức của người dân vượt qua được những tập quán lâu đời của những thần dân của chế độ cũ và tạo những phẩm chất cần có của công dân ở chế độ mới. Trong phong trào đời sống mới hơn 70 năm về trước, các khẩu hiệu còn được sáng tác cho những không gian xã hội khác như trong bệnh viện, ngoài chợ hay trường học… là sự nhắc nhỡ mọi công dân phải hành xử theo quyền và nghĩa vụ của mình. “Giáo dục lại nhân dân”, nói cách khác là trang bị cho người dân những hiểu biết và kỹ năng làm công dân từ việc nhỏ như gìn giữ vệ sinh công cộng đến việc lớn như thực hiện quyền bầu cử…

Cuộc chiến tranh bùng nổ vào cuối năm 1946 rồi kéo dài 3-4 thập kỷ đã phá vở nhiều tập quán tốt đẹp mới được nhen nhóm. Nhưng ngay cả trong những thử thách ác liệt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì thực hiện cái nhiệm cấp bách đã đặt ta ngay từ ngày đầu đất nước độc lập. “Sửa đổi lề lối làm việc” trong kháng chiến chống thực dân pháp, cũng như các cuộc vận động “xây dựng con người mới”, “chống chủ nghĩa cá nhân”, rồi “người tốt việc tốt” … nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục lại  nhân dân đã được Bác Hồ theo đuổi không biết mệt mỏi cho đến cuối đời mình.

Công cuộc đổi mới thực chất là quá trình dân chủ hoá, xây dựng một xã hội sống và làm việc theo pháp luật đang đòi hỏi sự trở lại với mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập chế độ, bởi vì cho đến nay trên nhiều lĩnh vực của đời sống, những vấn đề đã từng tồn tại từ trước khi đất nước độc lập vẫn còn thể hiện trong đời sống hôm nay như những tàn dư của quá khứ biến dạng trong sự phức tạp của xã hội hiện đại. Công cuộc hội nhập càng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện cái “nhiệm vụ cấp bách” được Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ta từ hơn bảy thập kỷ trước. Bởi vì cách mạng Tháng Tám là sự khởi đầu mà những bài học sâu sắc của nó vẫn tinh khôi trong bối cảnh đất nước hôm nay đang kiên trì đổi mới và nỗ lực hội nhập.

 

Trương Thanh Nhã

Số lượt xem: 788

 
 
 
 
 
 
Thống kê truy cập

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Đình Liêm, Phó Chánh Văn phòng phụ trách
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
Địa chỉ: Số 10, đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: (0291) 3956528    -    Fax: (0291) 3955192   
Email: vpdbnd@baclieu.gov.vn