Liên kết web
Thăm dò

null Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND tỉnh

Nghiên cứu
Thứ tư, 20/11/2019, 10:45
Màu chữ Cỡ chữ
Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND tỉnh

Để nâng cao chất lượng thẩm tra dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND, có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng nghị quyết.

Hiện nay, theo Luật ban hành VBQPPL năm 2015, muốn trình HĐND tỉnh ban hành 01 nghị quyết QPPL, phải tiến hành theo 02 bước: Đề nghị xây dựng nghị quyết và soạn thảo, ban hành nghị quyết. Đây là quy định mới để HĐND tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng nghị quyết. Vì vậy, khi xem xét đề nghị xây dựng nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh cần phân loại nghị quyết theo quy định tại điều 27, Luật ban hành VBQPPL năm 2015 để yêu cầu UBND tỉnh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy định tại điều 117, trong đó, lưu ý đến việc lấy ý kiến đối tượng tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết và các cơ quan, tổ chức có liên quan; nội dung đánh giá tác động của chính sách, báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách.

Ở bước này, do Luật ban hành VBQPPL chưa quy định cụ thể trình tự, cách thức Thường trực HĐND tỉnh xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết, tuy nhiên, để HĐND tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng nghị quyết, sau khi nhận được văn bản đề nghị xây dựng nghị quyết thuộc nhóm nghị quyết quy định về chính sách, biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật, phát triển KT - XH có tính chất đặc thù của địa phương, Thường trực HĐND nên giao các Ban của HĐND tổ chức thẩm tra để tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh về sự cần thiết ban hành nghị quyết; mục tiêu, quan điểm xây dựng; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết; nội dung chính sách. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề nghị xây dựng nghị quyết của các Ban của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp xem xét từng nội dung danh mục đề nghị xây dựng nghị quyết, nếu những nội dung nghị quyết nào chưa rõ, Thường trực tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh và các Sở, Ngành liên quan giải trình làm rõ để xem xét, chấp thuận; đồng thời, tham gia trực tiếp hoặc định hướng về đối tượng, phạm vi điều chỉnh và đề cương của dự thảo nghị quyết. Đổi mới này rất hiệu quả, giúp Thường trực HĐND, các Ban của HĐND hoàn toàn chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết góp phần nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra và vai trò quyết định của HĐND; đồng thời, giảm lãng phí nguồn lực khi các dự thảo nghị quyết đã thực hiện xong các bước theo quy định, nhưng đến khi các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra dự thảo nghị quyết lại không thông qua, do chưa đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Hai là, để chuẩn bị cho việc thẩm tra, căn cứ nội dung các nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp, thành viên các Ban phải thường xuyên cập nhật thông tin qua các cuộc TXCT, các phương tiện thông tin đại chúng,... tổ chức họp lấy ý kiến của những người am hiểu về lĩnh vực đó, khảo sát tình hình thực tế, thu thập thông tin về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết. Đồng thời, đề nghị các ngành được UBND tỉnh phân công xây dựng dự thảo nghị quyết mời đại diện lãnh đạo Ban tham gia các cuộc họp lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết để các Ban của HĐND tỉnh thu thập thêm thông tin phục vụ công tác thẩm tra.

Ba là, khi thẩm tra phải xem xét tính đầy đủ của hồ sơ dự thảo nghị quyết như: Tờ trình, dự thảo nghị quyết, bản tổng hợp, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo nghị quyết, ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp,…

Bốn là, tổ chức thẩm tra kỹ lưỡng và xây dựng báo cáo thẩm tra chất lượng

Trong quá trình tổ chức hội nghị thẩm tra, thành viên các Ban phải nêu được những vấn đề bất hợp lý, không khả thi, trái quy định pháp luật trong dự thảo nghị quyết. Báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND không thể chỉ là bản thuyết minh làm rõ các dự thảo nghị quyết mà phải là bản “kiểm định” chất lượng của các bản dự thảo nghị quyết trên cơ sở nghiên cứu, giám sát, TXCT, thu thập thông tin,... Nội dung báo cáo thẩm tra cần nêu sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển KT - XH ở địa phương; nêu tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; gợi mở những vấn đề HĐND phải thảo luận, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để cung cấp thông tin cho đại biểu xem xét, thảo luận và đề xuất được nhiều giải pháp làm cơ sở cho HĐND quyết nghị. Báo cáo thẩm tra phải nêu rõ ý kiến đánh giá của Ban về những vấn đề được Ban nhất trí, không nhất trí, còn có ý kiến khác nhau và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung,...

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra, thành viên các Ban ngoài nhiệt tình và trách nhiệm cao cần có kiến thức thực tiễn, có kỹ năng hoạt động và dành thời gian, tâm huyết cho hoạt động của HĐND./.

Ban biên tập

Số lượt xem: 1881

 
 
 
 
 
 
Thống kê truy cập

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Đình Liêm, Phó Chánh Văn phòng phụ trách
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
Địa chỉ: Số 10, đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: (0291) 3956528    -    Fax: (0291) 3955192   
Email: vpdbnd@baclieu.gov.vn