Liên kết web
Thăm dò

null Từ chức, miễn nhiệm: Bớt đi cán bộ 'ề à'!

Tin mới nhất|Tin hoạt động|Hoạt động tại các kỳ họp
Thứ tư, 10/11/2021, 14:55
Màu chữ Cỡ chữ
Từ chức, miễn nhiệm: Bớt đi cán bộ 'ề à'!

TTO - Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được cho là tạo cú hích mới trong công tác cán bộ.

Từ chức, miễn nhiệm: Bớt đi cán bộ ề à! - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trước đó, Bộ Chính trị ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là hai quy định được cho là chỉnh đốn lại công tác cán bộ.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội - chia sẻ: "Quy định số 41 là sự thể chế hóa chủ trương thành quy định cụ thể, thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Hiệu quả thực hiện quy định này sẽ là cách xây dựng văn hóa từ chức ở nước ta và là thước đo của lòng dân đối với Đảng".

Từ chức, miễn nhiệm: Bớt đi cán bộ ề à! - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái tại diễn đàn Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn

Từng có quy định nhưng ít thấy từ chức

* Quy định 41 có phải là văn bản đầu tiên của Đảng nói đến việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ?

- Trước khi có quy định 41, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 260-QĐ/TW năm 2009 về "việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ". Sau đó có quy định 08-QĐ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó quy định cán bộ, đảng viên "chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ".

Trước đó nữa, năm 1997, nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII của Đảng đã xác định "xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ...". Trên thực tế, sự mất mát cán bộ do vi phạm các quy định thời gian qua cho thấy việc thực hiện các quy định ấy còn chưa tốt.

Văn hóa từ chức được nói lâu nay nhưng chưa được thành hình, đến nay ít nghe nói có cán bộ từ chức, dù số cán bộ vi phạm bị kỷ luật nặng gia tăng theo thời gian.

* Điểm mới của quy định mà ông gọi là "vũ khí" nâng cao sức chiến đấu thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng là gì, thưa ông?

- Tôi nhận thấy rất rõ, ở đây có cả sự chủ động của đối tượng chịu sự tác động của quy định này. Đó là chủ động xin từ chức, lại có cả sự "thụ động" của đối tượng chịu sự tác động của quy định. Nếu anh không tự giác, tổ chức cũng sẽ "gợi ý" để anh từ chức, và hơn thế nữa, là miễn nhiệm anh khi chưa hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Nổi lên rõ nhất, việc từ chức, tức là rời khỏi chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ hoặc trước khi hết thời hạn bổ nhiệm.

Thực tế hiện nay, có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý không còn đủ uy tín để tiếp tục giữ vị trí công tác của mình. Từ chức là cách hành xử tốt nhất, nhân văn nhất, thể hiện tự trọng, tư cách và bản lĩnh của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Từ chức, miễn nhiệm: Bớt đi cán bộ ề à! - Ảnh 3.

Tăng số lần lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ

* Như ông nói, văn hóa từ chức được quy định từ lâu nhưng chưa thành hình. Với quy định lần này có hy vọng sẽ có cán bộ tự ý thức từ chức?

- Do là một hành động hoàn toàn mang yếu tố tự nguyện, cho nên chủ động từ chức khác với được gợi ý từ chức, hoặc thậm chí được tổ chức mời làm việc để từ chức. Chủ động từ chức chính là văn hóa từ chức, một hành xử nhân văn trong một nền chính trị văn minh. Còn văn hóa từ chức phải dựa trên lương tâm, trách nhiệm và sự coi trọng danh dự của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Với quy định 41, nếu cán bộ cố tình "còn nước còn tát", cố giữ vị trí công tác của mình trong khi không còn đủ sự tín nhiệm để mà ngồi ở vị trí ấy thì rồi cũng vẫn bị miễn nhiệm.

* Theo quy định 41, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức có quy định do có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu. Nhưng quy định lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay có đủ để trở thành "áp lực" với cán bộ?

- Đọc quy định 41 thấy rất rõ một điều quan trọng, căn cứ để một cán bộ lãnh đạo, quản lý từ chức hoặc bị miễn nhiệm là kết quả lấy phiếu tín nhiệm để "định giá" uy tín và hiệu quả rèn luyện, phấn đấu và công tác của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hiện nay, trong hệ thống chính trị nước ta, độ dài một nhiệm kỳ công tác của chức vụ bầu cử và độ dài của một chức danh công tác được bổ nhiệm đều là 5 năm.

Tôi tán thành ý kiến kiến nghị nên tăng số lần lấy phiếu tín nhiệm lên nhiều hơn một lần trong một nhiệm kỳ. Sự tự giác của người cán bộ lãnh đạo, quản lý là yếu tố trên hết. Tuy nhiên cần có những chế định cần thiết để bên cạnh sự tự giác còn có yếu tố tạo áp lực, buộc anh phải thực hiện việc nêu gương, chuẩn mực, liêm khiết, làm việc vì nước, vì dân...

* Nhưng một thực trạng cũng được chính các đại biểu nêu ra là bệnh ngại trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Khi mà cán bộ chỉ lo giữ ghế thì sao có văn hóa từ chức?

- Để thực hiện quy định 41 có hiệu quả, căn cơ, theo tôi, cần có các giải pháp khắc phục "căn bệnh sợ trách nhiệm" đã và đang trực tiếp và gián tiếp gây ra những hậu quả lớn ở hầu như mọi lĩnh vực; là một trong những trở ngại của phát triển. 

Trước đây, khi ở cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: "Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né trách nhiệm... thì làm sao xã hội phát triển, đất nước phát triển được?".

Nhưng, trong khi quyền lực cụ thể, trách nhiệm cụ thể thuộc về các chức danh lãnh đạo, quản lý cụ thể, thiết nghĩ cũng cần phải rà soát để rồi đánh giá tác động của những quy định, cơ chế hiện giờ liệu đã đủ sức bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm chưa? 

Cần phải kiên quyết và triệt để loại bỏ những kẽ hở trong các quy định, quy chế, thậm chí là trong cung cách làm việc thường ngày ở lĩnh vực công, nó "nuôi dưỡng, che chắn" cho một "triết lý" đang có ở không phải là đa số nhưng cũng không quá ít cán bộ lãnh đạo quản lý và cả ở công chức, viên chức: "Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai".

Không làm được việc, hãy đứng qua một bên...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hữu Lam - giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển quản trị, Đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định hai văn bản này đã cho thấy sự nhìn nhận thẳng thắn với tình trạng vô cảm, vô trách nhiệm, vinh thân phì gia của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, nó cũng chỉ ra sự bất cập trong đổi mới thể chế đang ngăn trở những con người tốt được làm những điều đúng đắn và dung dưỡng những người vô cảm.

"Qua quy định này một lần nữa khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của cán bộ. Việc từ chức là trách nhiệm, lương tâm, đạo đức của cá nhân. Khi anh nhìn vào những quy định và cảm thấy mình không hoàn thành trách nhiệm, nếu có liêm sĩ anh đứng sang một bên cho người khác làm" - ông Lam nói.

Tuy vậy, một vấn đề đặt ra là có những cán bộ sợ trách nhiệm nên không dám làm. Vậy phải làm gì để cán bộ hoặc những người khác đánh giá được cán bộ đó không đủ uy tín hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà chủ động xin từ chức?

Theo ông Lam, nâng cao độ trách nhiệm là một trọng tâm của đổi mới quản lý công trên toàn thế giới từ những năm 1980 cho đến nay. Vì thế, đổi mới quản lý các tổ chức, xác định rõ ràng mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn... để đánh giá kết quả công việc là quan trọng nhằm nâng cao độ trách nhiệm của mỗi người.

Minh bạch và tiếng nói của người dân có vai trò quan trọng trong việc nâng cao độ trách nhiệm của cán bộ. Tiêu chí đánh giá của cán bộ, công chức lâu nay chủ yếu tập trung đánh giá việc không vi phạm, trong khi đúng ra phải quan tâm là cán bộ đó có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Muốn vậy nhiệm vụ đó phải có mục tiêu đo lường được và phải có sự giám sát. Nói cách khác, mục tiêu đó phải gắn với chủ sở hữu, người chịu trách nhiệm cụ thể. Như vậy cả người giám sát lẫn cán bộ đều đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình.